image banner
Nhân kỷ niệm 41 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2023 Đài Truyền Thanh xã Nghĩa Hồng xin gửi tặng các cô giáo Trường Mầm Non xã nhà bài viết: VIẾT VỀ CÔ GIÁO MẦM NON
Lượt xem: 390
anh tin bai

 

Nhân kỷ niệm 41 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2023 Đài Truyền Thanh xã Nghĩa Hồng xin gửi tặng các cô giáo Trường Mầm Non xã nhà bài viết:

VIẾT VỀ CÔ GIÁO MẦM NON

Nghề Giáo viên mầm non, cái nghề “sớm con muộn chồng” ấy đã khiến không ít lần các cô giáo phải rơi nước mắt, nhưng cũng có bao niềm vui hạnh phúc khi thấy lớp lớp trẻ thơ trưởng thành qua sự chăm sóc dạy dỗ của cô. Phải chăng tình yêu nghề, yêu trẻ đã giúp các cô giáo mầm non xã Nghĩa Hồng vượt qua những khó khăn của nghề cao quý mà mình đã lựa chọn.

“Mùa xuân ai đi hái hoa, còn em đi nuôi dạy trẻ…? Có một nghề bụi phấn dính đầy tay… Ai cũng bảo đó là nghề cao quý nhất… Có một nghề không trồng hoa từ đất… Mà gieo trồng những đóa hoa thơm…

anh tin bai

 

- Trong muôn vàn nghề, nhiều khi cũng không hiểu tại sao mình lại chọn nghề Giáo viên mầm non, cái nghề “sớm con muộn chồng” ấy đã khiến không ít lần các cô giáo phải rơi nước mắt, nhưng cũng có bao niềm vui hạnh phúc khi thấy lớp lớp trẻ thơ trưởng thành qua sự chăm sóc dạy dỗ của cô. Phải chăng tình yêu nghề, yêu trẻ đã giúp các cô giáo trường Mầm Non xã Nghĩa Hồng vượt qua khó khăn của nghề cao quý mà mình đã lựa chọn.

anh tin bai

            Các cô giáo trường Mầm Non xã Nghĩa Hồng, mỗi người theo học ở một hình thức đào tạo và tốt nghiệp ngành Sư Phạm khác nhau, chỉ có điều là các cô đều chỉ nghĩ đơn giản đủ điều kiện về sư phạm mẫu giáo để sau đi dạy trẻ nhỏ vì các bé rất ngoan ngoãn xinh xắn, hàng ngày được học tập vui chơi với lũ trẻ hồn nhiên, trong sáng. Nhưng có mấy ai hiểu rằng việc chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non không hề đơn giản. Ngoài các môn năng khiếu: Vẽ, Đàn, Hát, Múa để trở thành giáo viên Mầm non, các sinh viên phải học tất cả các bộ môn đại cương của Bộ GD&ĐT ban hành đồng thời học tất cả các môn phương pháp chuyên ngành, từ việc dạy trẻ hát múa như thế nào, vẽ ra sao, thể dục, ăn, uống, sinh hoạt... giáo viên được đào tạo rất kỹ, rất đầy đủ cả về tư tưởng lẫn đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn. Công việc càng khó khăn hơn nữa khi chúng tôi tham gia các đợt kiến tập, thực tập ở các trường mầm non để rèn luyện tay nghề. Cả ngày quần quật với bao nhiêu công việc ở lớp nơi chúng tôi đến thực tập, tối về lại thức thật khuya để làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ và soạn giáo án… sự vất vả đó đã khiến nhiều bạn muốn bỏ cuộc. Khi tốt nghiệp ra trường và về làm giáo viên ở trường mầm Non xã nhà, bản thân các cô càng thấy sự vất vả của nghề “làm dâu trăm họ”. Từ 6h30 sáng, cùng các đồng nghiệp phải có mặt ở trường, vệ sinh lớp, lau dọn, sắp xếp bàn ghế để đón trẻ. 7h, 7h30 vì vùng nông thôn nên các phụ huynh đưa trẻ đến trường sớm còn về đi làm rồi 8h bắt đầu dạy theo chương trình, nào hoạt động chung, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời... Tất cả phải được thực hiện hàng ngày, hàng tuần theo quy định. Sau đó, cho các con vệ sinh rửa tay, lau mặt, cho trẻ ăn, các con đi vệ sinh rồi cô cho các con ngủ. Buổi chiều lại quy trình cho trẻ dậy, sau đó ăn phụ, tổ chức các hoạt động chiều ôn luyện kiến thức, lao động, vui chơi và vệ sinh trả trẻ. Trẻ mầm non không giống các lứa tuổi khác, các con sống theo cảm xúc, vui thì cười, buồn thì khóc, có khi bạn chỉ trêu đùa cũng khóc, hoặc bỗng dưng nhớ mẹ cũng khóc, lúc đó cô giáo phải lại ôm ấp, vỗ về các con và động viên trẻ. Cô giáo thật sự rất vất vả, cứ luôn chân luôn tay với các công việc và phải để ý liên tục đến các cháu, vì trẻ lứa tuổi mầm non rất hiếu động, chạy nhảy vận động nên rất dễ bị ngã xây xước chân tay. Cuối ngày, có thể có cháu được đón muộn do phụ huynh có việc bận đột xuất, cô lại là người cùng trẻ chờ bố mẹ, người thân đến đón. Việc đi sớm về muộn mỗi ngày cũng là chuyện thường xuyên với cô giáo mầm non.

anh tin bai

Đôi khi cũng có những phụ huynh đồng cảm chia sẻ “chị ở nhà một mẹ trông một con mà thấy mệt quá, vậy mà các cô…”           

anh tin bai

 

Ai cũng nói, cô giáo mầm non đa tài lắm.Quả đúng như vậy.Giáo viên mầm non là tổng hợp tất cả các nghề. Này nhé, giáo viên mầm non là một “bác sĩ”. Bởi vì để trở thành giáo viên mầm non, các cô cũng phải hiểu một cách căn bản nhất về các bệnh thường gặp của trẻ, cách phòng ngừa và điều trị. Bên cạnh đó, các cô giáo mầm non còn là những chuyên gia tâm lý của trẻ. Không nắm bắt được đặc điểm tâm lý của từng trẻ thì không thể đưa ra phương pháp giáo dục trẻ đúng đắn được. Qua mỗi chương trình văn nghệ hay hội thi, giáo viên mầm non còn là “nghệ sĩ múa”, “ca sĩ”… Không chỉ hát hay, múa dẻo, mà giáo viên mầm non còn là những nhà “biên đạo múa” tài ba khi tổ chức các lễ hội cho trẻ. Các tiết mục văn nghệ của cô và cháu dàn dựng, biểu diễn luôn nhận được sự khen ngợi của khán giả.( cha mẹ học sinh) Rồi nữa, giáo viên mầm non là một “họa sĩ” có nghề. Hàng ngày chúng tôi phải chuẩn bị đồ dùng học tập, đồ chơi  để phục vụ cho các hoạt động của trẻ. Đến trường mầm non xã Nghĩa Hồng các bậc phụ huynh còn nhìn thấy các bức tranh vẽ, xé dán, những hình ảnh ở các góc chơi và trang trí lớp sinh động thì đúng thật nói các cô là “họa sĩ” quả không sai. Đồ dùng, đồ chơi của giáo viên mầm non làm hầu hết là tận dụng từ những phế liệu như chai nhựa, hộp giấy, mẩu gỗ, vải vụn… Nhiều khi chúng tôi cứ như là những người thu mua đồng nát, ra đường thấy cái chai hay cái lọ, vỏ lon nước ngọt, nắp chai, vỏ hộp sữa... có thể tận dụng được cũng nhặt nhạnh về, rửa sạch để làm đồ chơi cho  các con.

anh tin bai

Giáo viên mầm non, áp lực về chuyên môn như lên kế hoạch giảng dạy, làm sổ sách, làm phổ cập rồi thực hiện các phần mềm quản lý nhóm lớp, chăm sóc giáo dục trẻ... là mối quan tâm thường trực. Nhưng có một một phần áp lực nặng nề luôn đè nặng lên vai những người làm công tác trong ngành giáo dục như các cô giáo mầm non, đó là những áp lực về trách nhiệm. Giáo viên mầm non luôn có tâm lý lo lắng những điều bất ngờ có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát hoặc bất khả kháng ở trường. Giáo viên phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, trong khi trẻ nhỏ, hệ vận động và xương khớp đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện thì việc rủi ro và tai nạn thường khó tránh khỏi. Bé đang đi va vào bạn, ngã chống tay xuống đất bị trẹo tay, chạy xô vào bạn, ngã bị bầm tím, chơi ngoài sân chạy nhảy cũng ngã, tranh giành đồ chơi đánh bạn, cắn hoặc xô bạn ngã là chuyện thường xảy ra. Chuyện học sinh tè ra quần cô lúc cô bế dỗ nín khóc hay nôn trớ ra người cô giáo là chuyện bình thường. Có lần, ở lớp có một cháu bị ốm nhẹ, dù đã được cô quan tâm những bất ngờ cháu lên cơn sốt và co giật, lúc đó, các cô một mặt liên hệ với phụ huynh học sinh, mấy cô hoảng hốt ôm cháu đi cấp cứu. Lúc ấy, nhiều cô giáo đã bật khóc vì lo cho cháu và thương đồng nghiệp. Những giọt nước mắt của những người mẹ thứ hai của trẻ khiến tôi không thể cầm lòng.

Rồi có những chuyện trớ trêu khi cô rèn trẻ biết lao động làm những công việc phù hợp với lứa tuổi như: giúp cô kê dọn bàn ghế, lau bàn ghế và giá đồ chơi… thì có phụ huynh phản ứng gay gắt vì cho rằng cháu ở nhà được bố mẹ chăm sóc và làm giúp mọi việc, các cô giáo không nên “bắt” trẻ làm những việc đó.

Còn muôn vàn những tình huống mà giáo viên mầm non phải đối mặt hàng ngày. Nhưng có một áp lực nữa, đó là đôi khi giáo viên mầm non cũng là một “nạn nhân” của mạng xã hội. Đôi khi dư luận xã hội dậy sóng “lên án theo phong trào” khi trên báo chí xuất hiện một mẩu tin, một bức ảnh, hay một đoạn clip tố cáo, làm chứng việc các bảo mẫu, giáo viên mầm non có hành vi đánh đập, gây nguy hiểm cho trẻ. Đó là điều rất dễ hiểu, và thực tế đúng là có những vụ việc như thế khiến pháp luật vào cuộc, lên tiếng “cảnh tỉnh” các bậc phụ huynh, khiến xã hội trở nên nhạy cảm hơn với mọi thứ liên quan đến “mầm non”. Dư luận xã hội đã bao giờ nhìn nhận công bằng rằng những người bị bắt giữ, tố cáo trong các vụ bạo hành trẻ mầm non chỉ là thiểu số trong số hàng trăm nghìn giáo viên chân chính? Nhiều khi chúng tôi cũng phải rơi nước mắt vì xót xa thương trẻ, và thấy phẫn nộ với những hành vi bất nhân của những bảo mẫu không có lương tâm nghề nghiệp đó. Làm nghề sư phạm điều đầu tiên cần có là yêu thương trẻ, đã yêu thương thì làm sao có thể làm đau những bé ngây thơ vô tội được?

Vất vả là thế, áp lực là thế nhưng rồi nhìn những khuôn mặt thơ ngây, nụ cười trong sáng và những đôi mắt trong veo của trẻ đã khiến chúng tôi vượt qua tất cả, chúng tôi cũng có những niềm hạnh phúc riêng mà ít người có được. Trong mắt trẻ thơ, cô giáo mầm non như những thần tượng. Nhiều phụ huynh chia sẻ với chúng tôi “khi về nhà lúc nào các con cũng nói “cô của con bảo thế này…” con yêu cô giáo của con lắm, và đến ngày nghỉ cũng bắt bố mẹ phải đưa đi học, thậm chí trẻ nghỉ ốm ở nhà, khi uống thuốc cũng bảo mẹ đưa đến trường để cô giáo con cho uống, để các bạn khen con… Chúng tôi vui lắm khi các con có tiến bộ hàng ngày. Có những trẻ khi đi học không biết ăn rau, ăn thịt… thì qua vài tuần đến lớp, được sự động viên của cô thì trẻ đã biết ăn các thức ăn mà trước đó trẻ chưa từng ăn. Có chuyện gì vui buồn ở nhà đến cũng kể cho cô nghe, gặp cô ở đâu cũng phải chạy đến ôm cô bằng được.Chúng tôi yêu lắm những câu nói hồn nhiên, những câu chuyện không đầu không cuối của trẻ và cả trân trọng sự tin yêu của phụ huynh học sinh khi thấy trẻ tiến bộ hàng ngày.

anh tin bai

       Để đạt hiệu quả cao trong việc nuôi dạy trẻ thì giáo viên cũng phải biết chia sẻ, lắng nghe và quan tâm đến trẻ mỗi ngày bằng cách giao tiếp về cuộc sống của trẻ, xây dựng ý thức thân thiện với trẻ, với phụ huynh và đồng nghiệp; chú ý thay đổi phương pháp dạy đổi mới hấp dẫn với trẻ sẽ cuốn hút trẻ tương tác và phát huy trí tuệ. Công việc đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, yêu trẻ, có tâm với nghề. Bởi trẻ con là tờ giấy trắng, tinh khôi, giáo viên mầm non cùng gia đình và xã hội hãy cùng nhau viết lên đó những điều tốt đẹp nhất. Trước thực trạng hiện nay, các cô giáotrường  mầm non xã Nghĩa Hồng không mong mỏi gì hơn là nhận được sự cảm thông và chia sẻ từ phía phụ huynh để giảm bớt áp lực và cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ trẻ một cách tốt đẹp nhất.”” Trẻ thơ là những bông hồng, cô người vun xới ươm trồng lên hoa”, Trẻ thơ hôm nay, thế giới ngày mai,  hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho các con. Tôi hiểu rằng chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mới giúp các cô giáo mầm non xã Nghĩa Hồng vượt qua nhiều áp lực công việc để tâm huyết,  gắn bó với các con, yêu nghề mến trẻ.

    Nhân kỷ niệm 41 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023).. Chúc các cô giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tâm huyết với nghề mà mình đã lựa chọn..!

“Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền..”

Tin mới







anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Hồng - Nghĩa Hưng - Nam Định
Địa chỉ: Xóm Bắc Sơn - Xã Nghĩa Hồng- huyện Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định.
ubndnghiahong@gmail.com
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang